Trên thế giới, nhu cầu tiêu thụ tôm ngày một lớn mạnh. Sản lượng tôm toàn cầu đang tiếp tục tăng nhanh khiến cho rất nhiều quốc gia tham gia vào đường đua nuôi tôm và xuất khẩu.
Tổng quan
Ngành tôm toàn cầu trong thập kỷ qua đã có sự tăng trưởng đáng kể. Tổng lượng nhập khẩu tôm trên thế giới năm 2022 là 3.248.338 tấn (Van der Pijl , 2023), với sản lượng từ Trung Quốc ước tính là 1.487.501 tấn (Fu-Chi, 2023). Trung Quốc và Việt Nam (945.791 tấn) và Mỹ (837.622 tấn) chiếm phần lớn mức tăng trưởng trong sản xuất tôm. Ecuador đã có tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 17% trong giai đoạn 2012 – 2019 và 25% trong giai đoạn 2020 – Q2/2023.
Sản lượng tôm nuôi của Ecuador năm 2022 là 1.051.758 tấn, năm 2023 sản lượng ước đạt 1.158.460 tấn, tăng 10% so với năm 2022. Ấn Độ báo cáo CAGR là 19% ở giai đoan 2012 – 2019, đạt sản lượng cao nhất là 734.160 tấn, năm 2023 sản lượng ước đạt 632.802 tấn (Van der Pijl, 2023) do thị trường dư nguồn cung.
Diện tích tiềm năng cho nuôi tôm toàn cầu khoảng 2,4 triệu ha.Với công nghệ nuôi tôm thương phẩm có sự khác nhau đáng kể giữa các vùng. Hệ thống nuôi bán thâm canh ở Ecuador cho năng suất hàng năm từ 1 – 5 tấn/ha/năm, các hệ thống thâm canh ở Ấn Độ cho năng suất 5 – 10 tấn/ha/năm. Tại Thái Lan năng suất 10 – 25 tấn/ha/năm là tiêu chuẩn đối với các hệ thống nuôi siêu thâm canh và dự kiến sẽ đạt 25 – 100 tấn/ha/năm ở các hệ thống sản xuất siêu thâm canh cao (hyper- Intensive) ở những nơi khác.
Theo báo cáo đánh giá kết quả khảo sát ngành tôm toàn cầu năm 2023 của Liên minh Thủy sản toàn cầu cho thấy sản lượng tôm nuôi của thế giới năm 2023 ước đạt khoảng 5,6 triệu tấn, giảm nhẹ 0,4% so năm 2022, nhưng dự kiến sẽ tăng khoảng 4,8% trong năm 2024, đạt 5,88 triệu tấn.
Sản lượng tôm thẻ chân trắng (Liptopenaeusvannamei) vẫn tiếp tục chiếm ưu thế trong nuôi tôm toàn cầu, trong khi đó sản lượng tôm sú cũng tiếp tục tăng, năm 2023 sản lượng tôm sú toàn cầu ước đạt khoảng 550.000 tấn, dự kiến năm 2024 đạt 600.000 tấn.
Năm quốc gia sản xuất tôm hàng đầu hiện nay (năm 2023) bao gồm: Ecuador, Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam và Indonesia; Sản lượng tôm nuôi của những quốc gia này sẽ chiếm khoảng 74% sản lượng toàn cầu. Tiếp theo là Thái Lan, Malaysia, Philippines, Myanmar và các nước khác – sẽ đóng góp khoảng 840.000 tấn. Các nước Mỹ Latinh (chủ yếu là Brazil, Mexico và Venezuela) khoảng 500.000 tấn vào sản lượng thế giới.
Tình hình nhập khẩu tôm tại các thị trường lớn
Trong năm 2023, tại các thị trường lớn nhất thế giới là Mỹ, EU và Nhật Bản đã có sự sụt giảm về lượng nhập khẩu. Tuy nhiên, một phần nào đó cũng đã được bù đắp bằng sự gia tăng nhập khẩu tại Trung Quốc. Trong khi tổng khối lượng nhập khẩu tại 4 thị trường lớn nhất thế giới không thay đổi thì giá trị nhập khẩu lại giảm từ 19,7 tỷ USD năm 2022 xuống còn khoảng 17,3 tỷ USD năm 2023. Cụ thể:
Mỹ: Năm 2023, tổng nhập khẩu tôm nước ấm của Mỹ đạt 781.856 tấn (tính tổng mã HS của tôm bóc vỏ, còn vỏ, nấu chín và tôm giá trị gia tăng), con số này giảm 12% so 889.021 tấn năm 2021 và giảm 6,3% so 834.735 tấn năm 2022.
Ecuador vẫn là quốc gia duy nhất tiếp tục tăng trưởng thị phần tại Mỹ. Năm 2023 đạt 28% và trong 2 tháng đầu năm 2024, lần đầu tiên Ecuador chạm tới 30% thị phần. Trong giai đoạn 2019 – 2023 thị phần của Ấn Độ dao động từ 37 – 43%, trong 2 tháng đầu năm 2024 đạt 38% thị phần. Nguồn cung ngày càng dồn về 2 quốc gia Ecuador và Ấn Độ, thị phần kết hợp của họ đã tăng từ 52% năm 2019 lên 67% trong 2 tháng đầu năm 2024.
Indonesia, Việt Nam và Thái Lan được xem là 3 nhà xuất khẩu lớn của Mỹ lại cho thấy thị phần giảm nhẹ. Thị phần của Indonesia từ 22% mức cao nhất năm 2022 xuống 18% trong 2 tháng đầu năm 2024; Việt Nam từ 9% (năm 2021) xuống 5% năm 2023; Thái Lan 5 – 6% năm 2019 xuống 3% trong 2 tháng đầu năm 2024.
EU: Năm 2023, tổng nhập khẩu tôm của EU đạt 527.760 tấn, giảm 5% so với cùng kỳ năm ngoái. Xuất khẩu tôm giá trị gia tăng (bao gồm tất cả các loài) giảm mạnh nhất với 14%. Trong khi đó, xuất khẩu tôm Penaeus nuôi đông lạnh nguyên liệu, tôm đánh bắt tự nhiên (bao gồm tôm sú và tôm thẻ chân trắng) giảm lần lượt 2% và 6%.
Nhập khẩu tôm từ châu Phi, châu Á và châu Mỹ Latinh chiếm 89% tổng lượng nhập khẩu của EU, với 467.157 tấn. Trong đó, Nam EU là thị trường lớn nhất, tiếp theo là Tây EU (bao gồm Scandinavia).
Ecuador tiếp tục thống trị thị trường và tăng xuất khẩu sang khu vực, đồng thời nguồn cung tôm thẻ chân trắng đang dần được củng cố trong tay nước này. Argentina là nhà cung cấp tôm lớn thứ hai cho Nam EU sau Ecuador. Trong khi Ấn Độ tăng cường xuất khẩu sang Nam EU (chủ yếu sang Pháp) từ năm 2020 -2022 thì sang năm 2023, xuất khẩu lại sụt giảm. Ngoài ra, các nhà cung cấp châu Á khác như Trung Quốc và Việt Nam lại nhận thấy xu hướng tiêu cực trong nhập khẩu từ Nam EU. Từ Mỹ Latinh, chỉ có Venezuela tăng thị phần, năm 2022 – 2023, xuất khẩu của nước này đã tăng từ 19.113 lên 29.357 tấn.
Trung Quốc: Nhập khẩu tôm của Trung Quốc tăng liên tục từ năm 2020 – 2023; gần đạt 1 triệu tấn năm 2023. Ecuador và Ấn Độ vẫn là nhà cung cấp tôm lớn nhất tại thị trường Trung Quốc. Năm 2023, Ecuador xuất khẩu gần 700.000 tấn tôm sang Trung Quốc, chủ yếu xuất khẩu tôm HOSO và Ấn Độ gần như quay trở lại mức 150.000 tấn. Tuy nhiên, thị phần của Ấn Độ tại Trung Quốc đã giảm từ 24% năm 2019 xuống còn 14% năm 2023. Nguồn cung của các quốc gia khác không thu hút nhiều sự chú ý. Trong khi nguồn cung từ Việt Nam sang Trung Quốc rất biến động thì nguồn cung từ Thái Lan, Ả Rập Saudi, Argentina, Indonesia và Peru đều có xu hướng tích cực hậu COVID-19 và được hưởng lợi từ sự phục hồi tiêu dùng của Trung Quốc.