Tình hình 5 tháng đầu năm, xuất khẩu tôm đã có tín hiệu lạc quan hơn khi đạt giá trị 1,3 tỷ USD, tăng 7% so cùng kỳ năm trước. Thế nhưng, khó khăn đối với ngành tôm chưa thể vơi đi, bởi giá tôm xuất khẩu sẽ khó cải thiện, còn giá tôm trong nước lại đang trên đà giảm mạnh. Điều này khiến cả người nuôi lẫn doanh nghiệp đều không khỏi lo lắng.
Giá tôm lại giảm
Sau giai đoạn đầu vụ có phần lúng túng, pha lẫn chút lo lắng khi dịch bệnh xuất hiện sớm và gây thiệt hại cho một số diện tích, tình hình tôm nuôi cũng được ổn định dần nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa người nuôi với cơ quan chức năng và sự hỗ trợ kỹ thuật từ các công ty cung ứng vật tư đầu vào. Ngoại trừ một số diện tích thiệt hại ban đầu do EHP, nghi ngờ TPD hay thời tiết nắng nóng, số còn lại đều phát triển khá tốt, về đích thành công hơn cả mong đợi.
Hộ nuôi tôm ở huyện Cù Lao Dung, tỉnh Sóc Trăng thu tỉa bán tôm ôxy để được giá cao. Ảnh: ST
Không chỉ có trang trại nuôi quy mô lớn, các trại nuôi quy mô nhỏ, thậm chí là những hộ nuôi 1 – 2 ha theo mô hình lót lưới đáy, bạt bờ cũng có được thành công. Anh Nguyễn Văn Út, ở ấp Rạch Rê, xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, không giấu niềm vui sau khi vụ nuôi đầu năm nay đang dần về đích: “Nói chung là vụ nuôi đầu tiên này tuy khó nhưng bù lại, khi đã vượt qua được thì con tôm lớn nhanh và tỷ lệ đạt đầu con rất tốt”. Đây cũng là nguyên nhân góp phần đưa sản lượng tôm nước lợ cả nước tăng 4,3% so cùng kỳ năm trước.
Mặc dù tôm nuôi phát triển tốt, đạt cỡ lớn, nhưng đa phần người nuôi tôm đều kém vui, nhất là những hộ mới thu hoạch từ cuối tháng 4/2024 đến nay, do giá tôm giảm liên tục ở hầu hết các kích cỡ. Cụ thể, theo thông tin từ phóng viên Đặc san Con Tôm, vào sáng 13/6 tại Sóc Trăng, TTCT loại 30 con/kg chỉ được thương lái thu mua ở mức 115.000 – 120.000 đồng/kg, TTCT loại 70 con/kg cũng chỉ có giá 98.000 đồng/kg tại cổng nhà máy.
Anh Nguyễn Văn Dũng, hộ nuôi tôm ở Sóc Trăng, thu hoạch tôm ngày 5/6, cho biết: “Năm nay tôm lớn nhanh, mới chỉ 58 ngày thôi mà đã về cỡ 57 – 58 con/kg. Bán thì cũng tiếc lắm, nhưng đành chịu vì giá tôm ngày nào cũng thấy giảm. Cũng may là tôi thu sớm còn bán được giá hơn 105.000 đồng/kg, chỉ sau có 1 tuần giá đã giảm xuống còn 95.000 – 98.000 đồng/kg. Tính ra cũng có lời nhưng không bằng mọi năm”.
Doanh nghiệp, người nuôi bất an
Việc giá tôm giảm mạnh vào đúng cao điểm thả giống của vụ nuôi đã khiến người dân thêm lo lắng. Hiệu ứng “thu tôm chạy giá” đang có xu hướng lan rộng do giá tôm thời gian tới vẫn chưa có dấu hiệu khả quan, vì bên cạnh yếu tố nhu cầu thị trường còn tùy thuộc vào vụ chính của các cường quốc tôm như Ecuador, Ấn Độ, Việt Nam. Riêng Ecuador càng khó đoán định hơn do họ có thể nuôi tôm được quanh năm. Do đó, đối với những hộ đang có tôm, hầu hết đều quyết định thu hoạch sớm sau khi hạch toán thấy có lời. Ngay cả những trang trại nuôi lớn cũng thường xuyên thu tỉa bán tôm ôxy cho thị trường nội địa khi thấy có giá và chỉ giữ lại một ít để nuôi về cỡ lớn. Đối với các hộ đã hoàn tất công tác cải tạo ao, phần lớn đều chưa dám thả giống toàn bộ, chỉ thả cầm chừng một phần diện tích, chủ yếu vẫn còn chờ nghe ngóng tình hình giá cả thế nào mới đưa ra quyết định.
Không chỉ có người nuôi, mà ngay cả doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu cũng trong trạng thái bất an. Bởi giá tôm thế giới chưa hồi phục, nhu cầu không cao trong khi nguồn cung từ các quốc gia nuôi tôm lớn trên thế giới vẫn không hề có dấu hiệu giảm. Ông Hồ Quốc Lực – Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thực phẩm Sao Ta, cho biết: “Đúng là giá tôm đã giảm khá mạnh trong thời gian gần đây do giá tiêu thụ trên thị trường thế giới đang giảm và tôm của Ecuador thì tiếp tục bán với giá ngày càng rẻ”. Liên quan đến vấn đề người nuôi tôm quan tâm là liệu giá tôm thời gian tới có tăng trở lại hay không, các doanh nghiệp cũng hết sức dè dặt cho rằng, vẫn chưa thể nói trước được, nhưng khả năng giá tôm giảm thêm sẽ rất khó xảy ra. Bởi gần đây đã có vài doanh nghiệp nâng giá thu mua lên, dù chưa nhiều và nó cho thấy, doanh nghiệp vẫn đang có nhu cầu thu mua tôm nguyên liệu.
Giải pháp căn cơ
Vấn đề người nuôi tôm quan tâm hiện nay là làm sao để nuôi tôm có lời, nhằm duy trì nghề nuôi, để chờ cơ hội tôm tăng giá dịp cuối năm? Đây thật sự là câu hỏi khó khi mà hiện các nước như: Ecuador, Ấn Độ, Indonesia họ sản xuất tôm bán ra với giá rất thấp so với tôm Việt Nam. Và lời giải và cũng là khuyến cáo của ngành chức năng và doanh nghiệp đưa ra cho người nuôi tôm là tìm cách lách qua khe hở thị trường để bán được giá tốt hơn.
Theo đó, thị trường Trung Quốc vẫn là mục tiêu hàng đầu và tiếp theo là thị trường nội địa. Đối với thị trường Trung Quốc, dù lợi thế tôm giá rẻ vẫn đang thuộc về Ecuador, nhưng không vì thế mà con tôm Việt Nam không có cơ hội. Bởi màu sắc của con tôm Việt Nam sau khi được chế biến luôn có màu đỏ tươi, rất phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng Trung Quốc. Đây chính là điều mà tôm Ecuador khó đáp ứng được do họ chỉ nuôi ao đất, sau khi chế biến tôm có màu đỏ rất nhạt.
Thứ hai là hiện thị trường này có nhu cầu về tôm cỡ 70 – 170 con/kg nên chúng ta cần nuôi mật độ cao ở giai đoạn đầu, sử dụng thức ăn có độ đạm thấp, sau đó thu tỉa theo từng giai đoạn khi tôm đạt kích cỡ phù hợp với nhu cầu thị trường Trung Quốc hoặc thị trường nội địa. Khi tôm đạt cỡ 50 – 60 con thì chuyển sang sử dụng thức ăn có độ đạm cao hơn (khoảng 43% độ đạm), nuôi mật độ thưa hơn để thúc tôm về cỡ lớn nhanh. Thông thường ở cỡ dưới 30 con/kg thì giá bán tôm ôxy nội địa rất ổn định. Các giải pháp trên vừa giúp giảm chi phí, thu tôm đạt yêu cầu thị trường, vừa đảm bảo năng suất và giá bán hợp lý.
Tuy nhiên, để giảm giá thành nuôi tôm, một trong những vấn đề quan trọng là người nuôi phải có đủ vốn, mua vật tư đầu vào với giá rẻ. Đặc biệt cần lưa chọn con giống chất lượng, không mua giống trôi nổi. Một vấn đề nữa là làm sao giữ được đầu con cao thì mới có sản lượng lớn, đảm bảo lợi nhuận kể cả thu hoạch cỡ nhỏ hay lớn.
T. Tín