Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn do dịch Covid-19, nhưng sau khi tình hình được kiểm soát, sản xuất, chế biến, xuất khẩu thủy sản đã nhanh chóng phục hồi mạnh.
Theo báo cáo của Tổng cục Thủy sản, tổng sản lượng thủy sản của cả nước năm 2021 đạt 8,73 triệu tấn, tăng 1% so với năm 2020 (8,64 triệu tấn), trong đó sản lượng khai thác đạt 3,92 triệu tấn, tăng 0,9% với năm 2020 (3,88 triệu tấn), nuôi trồng đạt 4,8 triệu tấn, tăng 1% với năm 2020 (4,76 triệu tấn).
Kim ngạch xuất khẩu thủy sản năm 2021 đạt 8,89 tỷ USD, tăng 5,7% so với năm 2020 (8,41 tỷ USD). Nếu tính cả bột cá và thức ăn thủy sản (685,2 triệu USD), tổng giá trị xuất khẩu của ngành thủy sản năm 2021 đạt 9,57 tỷ USD, bằng 107,6% so với năm 2020 (8,89 tỷ USD).
Quang cảnh hội nghị.
Về kế hoạch năm 2022, mục tiêu phấn đấu của ngành thủy sản cơ bản duy trì ổn định tổng sản lượng thủy sản, trong đó điều chỉnh giảm dần sản lượng khai thác, tăng sản lượng nuôi trồng và triển khai mạnh các giải pháp để tăng giá trị đối với cả sản lượng nuôi và khai thác để tăng giá trị sản xuất đối với với sản phẩm thủy sản, đáp ứng mục tiêu tăng trưởng.
Tổng sản lượng thủy sản phấn đấu đạt khoảng 8,73 triệu tấn, bằng 100,03% so với năm 2021. Trong đó, sản lượng khai thác khoảng 3,78 triệu tấn, bằng 96,4%; sản lượng nuôi trồng 4,95 triệu tấn, bằng 103% so với năm 2021.
Các sản phẩm thủy sản chủ lực thuộc mặt xuất khẩu quốc gia: Sản lượng cá tra 1,6 triệu tấn; tôm nước lợ 950 nghìn tấn, trong đó, tôm sú 275 nghìn tấn, tôm thẻ chân trắng 675 nghìn tấn. Kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt khoảng 8,9 tỷ USD.
Sản xuất, chế biến tôm tại tỉnh Bạc Liêu
Để đạt các mục tiêu này, năm 2022, ngành thủy sản sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả thực hiện Luật thuỷ sản 2017 và các văn bản hướng dẫn; triển khai hiệu quả Kế hoạch hành động quốc gia phát triển ngành tôm Việt Nam đến năm 2025; Đề án: cá tra 3 cấp, nuôi biển, tôm hùm, tôm càng xanh... Đồng thời, tiếp tục chỉ đạo phát triển nuôi hiệu quả các đối tượng chủ lực và các loài thủy sản có giá trị kinh tế. Tận dụng tiềm năng mặt nước, phát triển nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa, các vùng xâm nhập mặn mới hình thành do biến đổi khí hậu không thể tiếp tục sản xuất nông nghiệp, hình thành các chuỗi liên kết, bảo đảm chất lượng và an toàn thực phẩm. Đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển, nuôi nhuyễn thể thành một lĩnh vực sản xuất hàng hóa; áp dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, hiện đại để tạo ra các sản phẩm có chất lượng, gia tăng giá trị, đáp ứng với nhu cầu của thị trường trong nước và quốc tế.
Đối với khai thác thủy sản, ngành thủy sản sẽ theo dõi và nắm chắc về tình hình, diễn biến thời tiết và thông tin về nguồn lợi thủy sản chỉ đạo kịp thời, huy động tàu thuyền sản xuất các nghề phù hợp để khai thác có hiệu quả. Quản lý tốt hạn ngạch khai thác hải sản, giảm dần số lượng tàu cá khai thác, hỗ trợ cùng các địa phương hướng dẫn ngư dân tổ chức khai thác trên biển theo chuỗi để tăng thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, nâng cao hiệu quả khai thác.
Tin, ảnh: NGUYỄN KIỂM
Nguồn: qdnd.vn