Trong mấy năm nay, xu hướng nuôi tôm thẻ chân trắng ở Việt Nam ngày càng nhiều, do nó là loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, thời gian nuôi ngắn, mật độ nuôi cao, tốc độ tăng trưởng nhanh. Tuy nhiên, tôm thẻ lại rất dễ mẫn cảm với dịch bệnh. Đặc biệt, gần đây người nuôi tôm thẻ chân trắng thường gặp tình trạng tôm bị “bệnh đốm đen” gây thiệt hại đáng kể nếu không có biện pháp chữa trị kịp thời. Một số trường hợp phát hiện bệnh trễ thì hầu như mọi biện pháp chữa trị đều không mang lại kết quả tốt và phải tiến hành thu hoạch. Một số trường hợp khác tôm bị đốm đen chỉ được phát hiện khi thu hoạch dẫn đến giảm giá trị thương phẩm.
Bệnh do các giống vi khuẩn có trong nguồn nước ao nuôi như Vibrio, Pseudomonas, Aeromonas gây nên. Những loại vi khuẩn này có khả năng tiết ra chất men ăn mòn lớp vỏ kitin của tôm nuôi.
Nhìn chung, những ao nuôi có tôm bị “bệnh đốm đen” khi kiểm tra môi trường ao nuôi phần lớn đều có hàm lượng khí độc NH3 hoặc NO2 vượt ngưỡng cho phép, độ kiềm dưới 100 mg/l kéo dài và hàm lượng oxy không đạt ngưỡng tối ưu 6 mg/l trong suốt thời gian nuôi, ao nuôi bị ô nhiễm, thả nuôi với mật độ dày.
“Bệnh đốm đen” xảy ra ở các độ mặn khác nhau từ 5‰ cho đến 20 – 25‰. Thời gian xảy ra bệnh từ giai đoạn 20 ngày tuổi cho đến 90 ngày tuổi, tuy nhiên tập trung nhiều nhất ở giai đoạn 25 – 45 ngày tuổi. Tôm thường có tỷ lệ mắc “bệnh đốm đen” cao vào giai đoạn chuyển mùa, thời tiết thay đổi bất thường kéo dài trong 5 – 10 ngày, hoặc nhiệt độ nước trên 290C trong thời gian dài. Tuy vậy, tôm vẫn có thể mắc phải bệnh này trong suốt năm bất kể ở tình trạng thời tiết nào.
Tùy theo điều kiện môi trường ao nuôi và sức khỏe của tôm mà tốc độ phát triển và lây lan bệnh trong đàn tôm nhanh hay chậm.
Tôm nhiễm bệnh nhẹ vẫn ăn bình thường, ruột vẫn đầy thức ăn, không có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy gan yếu, nhợt nhạt nhưng có hiện tượng mòn đuôi, cụt râu (có gây hiểu nhầm tôm cắn nhau trong quá trình hoạt động) đuôi có thể bị phồng nhẹ, râu và đuôi tôm chuyển sang màu đỏ. Xuất hiện các đốm đen nhỏ, ẩn dưới vỏ hoặc các đốm đen xuất hiện thành cụm ở giáp đầu ngực, phụ bộ, ở thân tôm hoặc ở vùng mang. Sau khi lột xác xong tôm sẽ trở lại trạng thái khỏe mạnh.
Tôm mắc bệnh nặng thường lờ đờ, tấp bờ, bỏ ăn, tăng trưởng chậm, khó lột xác, bị dính vào vỏ cũ hoặc mất phụ bộ khi lột xác. Tôm có thể xuất hiện dấu hiệu trắng lưng, đục thân, ruột rỗng, gan tụy nhợt nhạt, bề mặt thân tôm bị đốm đen có thể có mùi hôi.